Cách diễn dịch Điều_9_Hiến_pháp_Nhật_Bản

Hải quân Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản, một trong những lực lượng quân sự trên thực tế được coi là được phép theo Điều 9.

Ngay sau khi thông qua Hiến pháp Nhật Bản năm 1947, cuộc Nội chiến Trung Quốc kết thúc với chiến thắng của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 1949 dẫn tới sự hình thành Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Sau sự kiện này, Hoa Kỳ bị mất một đồng minh quân sự là Trung Hoa Dân quốc để chống lại phong trào Cộng sản ở Thái Bình Dương. Một bộ phận trong Lực lượng chiếm đóng của Hoa Kỳ mong muốn Nhật Bản có vai trò quân sự lớn hơn trong cuộc đấu tranh chống Cộng trong thời kỳ Chiến tranh lạnh.[13]

Nếu Điều 9 được trông đợi là bước đi xác lập một thể chế từ bỏ chiến tranh—như tầm nhìn của Hiệp ước McCloy–Zorin năm 1961—thì cuộc khủng hoảng Triều Tiên chính là cơ hội đầu tiên để một nước khác tiếp nối bước đi của Nhật Bản để tiến tới một hệ thống an ninh tập thể thực sự dưới sự bảo vệ của Liên Hợp Quốc. Tuy vậy, vào năm 1950, khi Chiến tranh Triều Tiên nổ ra, Sư đoàn 24 Lực lượng Bộ binh Hoa Kỳ được rút khỏi Nhật Bản để tham chiến tại Triều Tiên, khiến Nhật Bản không còn sự bảo vệ của lực lượng quân đội nào. MacArthur ra lệnh thành lập Đội Cảnh sát Dự bị (警察予備隊, Keisatsu yobitai?) để duy trì trật tự tại Nhật Bản và đẩy lùi bất kỳ sự xâm lược nào từ bên ngoài. Lực lượng này do Đại tá Frank Kowalski của Quân đội Hoa Kỳ (sau này trở thành Hạ nghị sĩ) tổ chức với thiết bị dôi dư của Quân đội. Để tránh vi phạm hiến pháp, các thiết bị quân sự được đặt cho những cái tên dân sự: ví dụ như xe tăng được gọi là "đặc xa".[14] Shigesaburo Suzuki, lãnh đạo của Đảng Xã hội chủ nghĩa Nhật Bản, đã kiện lên Tòa án Tối cao Nhật Bản để tuyên bố Đội Cảnh sát Dự bị là vi hiến; tuy vậy, vụ kiện bị Tòa án trả hồ sơ vì không hợp lý.[15]

Ngày 1 tháng 8 năm 1952, Ti Bảo an (保安庁, Hoancho?) được thành lập để giám sát Đội Cảnh sát Dự bị cùng bộ phận hàng hải của nó. Cơ quan mới do Thủ tướng Shigeru Yoshida trực tiếp lãnh đạo. Yoshida cho rằng cơ quan này hoàn toàn hợp hiến: mặc dù trong bài phát biểu trước Quốc hội năm 1952, ông nói rằng "để có được khả năng chiến tranh, dù chỉ với mục đích tự vệ, phải sửa đổi Hiến pháp". Sau này ông giải thích trong vụ kiện của Đảng Xã hội chủ nghĩa rằng Ti Bảo an không có khả năng chiến tranh thực sự trong thời buổi hiện đại.[14] Vào năm 1954, Ti Bảo an trở thành Cơ quan Quốc phòng Nhật Bản (hiện nay là Bộ Quốc phòng), và Đội Cảnh sát Dự bị trở thành Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (自衛隊, Jieitai?).

Trên thực tế, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản được trang bị rất tốt và lực lượng hàng hải được xem là mạnh hơn nhiều nước lân bang của Nhật.[cần dẫn nguồn] Tòa án Tối cao Nhật Bản giúp cho lực lượng phòng vệ này ngày càng hợp hiến hơn bằng nhiều kết luận khác nhau, trong đó đáng chú ý nhất là Vụ Sunakawa năm 1959, tuyên bố giữ nguyên tính hợp pháp của Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật.

Vào tháng 7 năm 2014, Nhật Bản đưa ra lời diễn dịch mới để trao thêm quyền hạn cho các lực lượng phòng vệ, cho phép họ bảo vệ các đồng minh trong trường hợp các nước này bị tuyên chiến. Bước đi này được xem như đã kết thúc thời kỳ chủ nghĩa hòa bình của Nhật Bản và nhận được những chỉ trích nặng nề từ Trung Quốc và Hàn Quốc, tuy được Hoa Kỳ ủng hộ.

Tháng 9 năm 2015, Quốc hội Nhật Bản chính thức thừa nhận lời diễn dịch mới bằng việc thông qua một số luật cho phép Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản hỗ trợ khí tài cho đồng minh trong các cuộc chiến trên thế giới. Lời giải thích cho sự thay đổi này là việc không bảo vệ và ủng hộ đồng minh sẽ dẫn đến suy yếu sự liên minh và làm nguy hại đến nước Nhật.[16]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Điều_9_Hiến_pháp_Nhật_Bản http://servat.unibe.ch/icl/it00000_.html http://www.chinadaily.com.cn/cndy/2012-11/29/conte... http://helenair.com/news/world/asia/how-japan-can-... http://www.iht.com/articles/2007/05/03/news/japan.... http://asia.nikkei.com/Politics-Economy/Policy-Pol... http://www.stripes.com/news/pacific/japan-enacts-m... http://thediplomat.com/2017/05/abes-new-vision-for... http://www.law.upenn.edu/lrev/Issues/vol151/Issue4... http://www.japantimes.co.jp/news/2017/05/03/nation... http://www.japantimes.co.jp/opinion/2014/06/27/com...